Nhằm phục vụ cho những sinh viên, công nhân, người lao động chân tay với giá thật rẻ, do đó nhiều quán cơm bình dân "mọc lên" nhưng không phải tất cả đều thu hút khách hàng. Đa số nhu cầu của khách khi đến quán cơm bình dân đều mong muốn thức ăn của mình ngon, hợp vệ sinh và giá cả hợp lý.
Vậy chúng ta phải làm như thế nào để mở quán cơm bình dân thành công và thu hút được nhiều khách hàng đến?
1/ Chuẩn bị vốn
Mở quán cơm bình dân cần bao nhiêu vốn? Để mở quán cơm bình dân, mức vốn đầu tư của bạn nên từ 100 triệu. Bởi vì bạn cần phải đầu tư, tu sửa và mua sắm nhiều khoảng như mặt bằng, bàn ghế, tủ, bát đũa, thiết bị nhà bếp, dụng cụ và đồ trang trí,.. Bạn hãy vạch ra bảng chi phí càng nhiều chi tiết càng tốt, vì nó sẽ giúp bạn quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn. Và bạn nên dự phòng chi phí hoạt động cho 3 tháng đầu tiên.
Ngoài ra, bạn cần cân nhắc việc chuẩn bị kỹ lưỡng dòng tiền vì việc không kiểm soát tốt doanh thu, chi phí để ra lợi nhuận sẽ dễ dẫn đến việc cửa hàng bị phá sản do không kiểm soát được "hàng tá" các khoản thu - chi hàng ngày của cửa hàng.
Để kiểm soát toàn bộ các dòng tiền vào - ra, điều đầu tiên bạn cần làm đó chính là ghi lại toàn bộ các hoạt động thu tiền cũng như chi tiền. Bạn có thể tham khảo bài viết giới thiệu 8 ứng dụng quản lý thu chi hoàn toàn miễn phí.
2/ Nghiên cứu thị trường và xác định đối tượng khách hàng
Một bước quan trọng đối với tất cả những ai muốn kinh doanh về một lĩnh vực nào đó chính là nghiên cứu thị trường, xác định đối thủ cạnh tranh và đối tượng khách hàng tiềm năng.
Thứ nhất là bạn nên xem xét đối thủ có nằm trong khu vực đó không? Các món ăn và giá cả như thế nào? Khách có đến có đông không? Quán cơm bình dân đó có đặc điểm gì nổi bật không? Và nếu như quán bị đóng cửa thì lý do tại sao? Để trả lời cho những câu hỏi này, bạn nên dành thời gian để đi tìm hiểu hoặc có thể ăn thử và đánh giá trước khi bạn mở quán cơm nhỏ cho mình.
Thứ hai là ngoài đối thủ cạnh tranh thì bạn cũng nên xem xét xem khu vực xung quanh đó có thể mở quán ăn bình dân hay không. Khu vực đó nếu gần trường học, khu công nghiệp, công ty, khu văn phòng hay bệnh viện thì việc buôn bán sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Thứ ba là bạn cũng nên xác định quán cơm bình dân của mình phục vụ cho đối tượng nào để từ đó việc đầu tư và trang trí cho quán cũng phù hợp, nguyên liệu và giá cả cũng sẽ khác nhau. Và một điều bạn cần chú ý nữa là mặt bằng của quán ăn nên sạch sẽ, lịch sự, thoáng mát, là một quán ăn bình dân thì yếu tố "vệ sinh" cũng rất quan trọng. Dù cho quán ăn của bạn có rẻ đến cỡ nào thì nhìn vào quán cơm của bạn nhếch nhác, lụp xụp thì khách hàng cũng khó có thể quay lại lần nữa.
3/ Địa điểm
Đây là một yếu tố quan trọng, chiếm hơn 50% thành công khi kinh doanh một lĩnh vực nào đó. Bạn nên nghiên cứu thật kỹ trước khi thuê mặt bằng, tránh thuê những nơi vắng vẻ, ít người qua lại và những nơi có mức thu nhập thấp, không có nhu cầu ăn uống bên ngoài. Hãy tính toán cẩn thận lượng người di chuyển ngang qua khu vực của bạn trong khoảng thời gian từ 6-7 giờ sáng, 11-13 giờ trưa và từ 18-20 giờ tối để từ đó ra quyết định chính xác trước khi thuê.
Một điều nữa là bạn nên tìm hiểu các yếu tố xung quanh như tình hình dân cư, thu nhập bình quân khách hàng, chỗ để xe cho khách, các quán hàng ở xung quanh,.. Để bạn có thể tính toán và đưa ra mức giá hợp lý.
Yếu tố tiếp theo: Nếu bạn bán cơm trưa, hãy suy nghĩ xem những ai cần ăn cơm trưa giá rẻ? Đó chính là dân văn phòng - Những người có thu nhập trung bình chỉ từ 6 - 15 triệu mỗi tháng, không cao. Đa phần họ đều không thể nào chuẩn bị cơm trưa. Đây chính là đối tượng khách hàng tiềm năng hàng đầu khi mở quán cơm bình dân.
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm các trang web sang nhượng mặt bằng để thuê mặt bằng từ những người có nhu cầu sang quán.
4/ Tìm và lực chọn nguồn nguyên liệu
Trong lĩnh vực ăn uống thì yếu tố chất lượng là điều cần thiết và đặc biệt quan trọng bởi đây là yếu tố giữ chân khách hàng lâu dài. Bạn nên cẩn thận lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn có thể tự mình đi chợ đầu mối và tự lựa chọn nguyên liệu và nên lựa chọn hàng tươi ngon, tránh hàng ôi thiu, dập nát. Có thể dự trù những mặt hàng mua được số lượng nhiều như : gạo, các loại gia vị, dầu ăn,… Và nếu như bạn có thể liên hệ với những người bán ở chợ gần nhất, kêu họ bỏ mối, cuối tuần tính tiền luôn một lần thì càng tốt.
5/ Nhân lực
Mở quán cơm bình dân thì không cần nhiều nhân viên, nhưng người có vai trò quan trọng nhất là đầu bếp chính, là người quyết định chất lượng của đồ ăn. Bạn cần phải ky lưỡng việc tuyển người nấu ăn ngon và có tâm huyết với nghề, bởi nó quyết định sự thành bại của quán.
Bạn có thể thuê khoảng 2 người đứng bếp, 1 người dọn dẹp và rửa chén trong bếp, 2-3 người phục vụ và 1 người thu ngân. Số lượng nhân viên thì tùy thuộc vào quy mô và tình hình kinh doanh của quán.
6/ Tạo thực đơn
Việc lên menu cho quán cơm bình dân là điều tất yếu, bởi vì mỗi khách hàng thì có một khẩu vị khác nhau, chính vì vậy việc tạo ra các món hài hòa, phù hợp với khẩu vị nhiều người là nhiệm vụ của một đầu bếp.
Nên chú trọng những món rẻ tiền nhưng lạ và ngon miệng đi kèm với những món ăn phụ khác để suất cơm đó trông được nhiều hơn, dày đặc hơn và cũng không tốn quá nhiều chi phí.
Món ăn cũng nên đa dạng và luôn luôn được cải tiến, phải được biến đổi theo thời tiết. Nếu thời tiết nóng, oi bức thì các bạn nên ưu tiên các món canh cá, canh chua,...còn thời tiết lạnh thì ưu tiên cho các món xào, rán, nướng.
Trong thời gian đầu thì nên làm thức ăn vừa đủ, món luôn được thay đổi và bạn cũng nên quan sát kỹ những món nào "bán chạy" và những món "bị ế" để đưa ra sự điều chỉnh menu một cách hợp lý.
7/ Định giá bán
Để có thể định giá bán sao cho phù hợp thì bạn nên tính toán thật kỹ và thật chính xác về việc vận chuyển, giá thực phẩm, tiền lương cho nhân viên,.. Từ đó đưa ra lượng đồ ăn phù hợp với từng đơn giá đó, và bạn nên lưu ý không nên đưa ra giá bán quá cao cũng như quá thấp.